Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Cô gái hóa lão bà: Chuyện tình cảm động

Như bao tình yêu khác, mối tình thủy chung son sắt của người chồng trẻ với cô gái bỗng chốc hóa thành bà lão 80 tuổi làm rung động lòng người. Thời điểm vợ bị bệnh và trông già nua xấu xí nhưng anh vẫn luôn ở bên cạnh vợ và tiếp thêm niềm hy vọng để chị vượt qua mặc cảm về thân phận. Giờ đây, đôi vợ chồng trẻ đang đi tiếp đoạn kết có hậu của cuộc hôn nhân bởi sự giúp sức của nền y học và các nhà hảo tâm. Mối lương duyên tiền định Cô gái bỗng dưng trở nên nổi tiếng trong thời gian gần đây – chị Nguyễn Thị Phượng (26 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Phượng thành tâm điểm dư luận mà bản thân chị chẳng bao giờ mong muốn. Cuộc sống của cô gái miệt vườn sẽ mãi êm đềm trôi cùng anh Nguyễn Thành Tuyển (34 tuổi). Phượng sinh ra trong hoàn cảnh éo le, sớm xa cha mẹ từ nhỏ. Chị là kết tinh duy nhất của một mối tình. Năm lên 6 tuổi, người mẹ thân yêu của chị chẳng may qua đời. Cuộc sống của Phượng như gà con mất mẹ. Không lâu sau, người cha đi thêm bước nữa. Chị phải sống nhờ vào tình yêu thương chở che của bà ngoại. Cuộc đời chị vẫn cứ lặng lẽ như những tán lục bình trôi trên dòng sông. 16 năm sau, cô bé quê mùa ngày nào trở thành cô gái xinh xắn nhất vùng. Phượng rời quê đi phụ bán quán giải khát tại huyện Mỏ Cày để mưu sinh qua ngày. Thi thoảng, một anh chàng thư sinh, giọng rất chất Nam Bộ thường hay lui tới. Anh ấy là nhân viên tiếp thị của công ty mỹ phẩm. Tình cảm của 2 người cứ lớn dần, đong đầy như ly café nhỏ giọt. Người đó chính là anh Nguyễn Thành Tuyển, chồng Phượng bây giờ. Anh Tuyển yêu chị ở nét duyên dáng, nhân hậu của người phụ nữ vùng sông nước. Anh không giấu cảm xúc của ngày đầu mới gặp Phượng. Chàng thanh niên như bị chị hút hồn ngay cái lần đầu tiên gặp gỡ. Người con gái ấy nết na, duyên dáng xinh đẹp nổi tiếng của vùng quê nghèo Giồng Trôm. Không phải nói quá, ở ấp 6, thị trấn Giồng Trôm mọi người đều đề cử cho chị Phượng danh hiệu “hoa khôi” của xóm. Mà kỳ thực, những tấm ảnh chị chụp năm 20 tuổi xinh đẹp lạ lùng. Người con gái có nhan sắc hương đồng gió nội làm say đắm anh Tuyển mỗi khi đêm về. Thời điểm đó, với vẻ đẹp của chị Phượng, nhiều chàng trai giàu có, thậm chí nhiều “chàng rể” người nước ngoài đến dạm ngõ nhưng đều bị chị khước từ . Cuộc đời của Phượng kết nối với anh Tuyển như có sự sắp đặt từ trước của tạo hóa. Tính anh Tuyển nhút nhát, chân chất đến lạ. Sinh ra trong gia đình có 7 người con, mang tiếng là con út trong gia đình nhưng từ nhỏ, anh Tuyển phải sống tự lập để nuôi thân. Yêu nhau mãi hơn 1 năm, anh mới dám ngỏ lời cùng chị Phượng. Nghe lời cầu hôn chân thành của người con trai đặc biệt thương mến, Phượng cảm thấy xao xuyến. Chị bẽn lẽn chấp nhận làm vợ anh Tuyển dù phải chịu cảnh nghèo. Giữa năm 2006, anh Tuyển và chị Phượng tổ chức lễ cưới. Nói đám cưới cho sang, chứ thực hoàn cảnh của 2 gia đình đều nghèo khó. Vậy mà chị Phượng luôn bằng lòng với hiện tại, dẫu đám cưới có phần đơn sơ, đạm bạc. Ngày tiến hành hôn lễ, một buổi tiệc nhỏ cùng mâm ngũ quả giữa hai gia đình để nhìn mặt dâu rể. Bên gia đình đằng gái thuận tình công nhận anh Tuyển làm con rể, phía gia đình đằng trai cũng chấp nhận Phượng là con dâu của họ. Dẫu đám cưới nghèo nhưng đầy ắp tình yêu thương của hai họ và những lời chúc phúc đến từ bà con cô bác. Tình cảm của đôi vợ chồng trẻ trước và sau khi cưới cứ đong đầy theo năm tháng. Từ ngày cưới nhau, cả 2 quần quật với những công việc đồng áng để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Cái nghèo chưa buông tha thì cái khó lại đến. Bản thân chị Phượng hay bị dị ứng. Nhiều lần ăn hải sản, chị bị nổi mề đay khắp người. Những nốt chấm đỏ trên mặt, trên thân thể gây ngứa ngáy, khó chịu. Vậy là chị lại chạy ra các tiệm thuốc tây để mua thuốc chống dị ứng uống theo lời người bán. Những loại thuốc Nam rồi đến thuốc Bắc cũng lần lượt được chị dùng qua. Chạy chữa nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng căn bệnh dị ứng vẫn không thuyên giảm. Tai họa bỗng chốc ập xuống đôi với chồng trẻ. Do uống nhiều loại thuốc, bỗng chốc chị “mập” lên lúc nào chẳng hay. Khuôn mặt chị như bị căng tròn khác thường. Bắt đầu từ năm 2009, mặt cô gái ở tuổi 24 dần biến sắc. Những nếp nhăn nhỏ nhất bắt đầu xuất hiện. Sự thay đổi cứ chậm chạp đến. Ngay cả người chồng luôn gần gũi vợ cũng không thể nhận thấy sự đổi thay khác thường. Như một quả bong bóng, gương mặt Phượng bắt đầu xẹp dần, xẹp dần cho đến khi chị biến thành bà lão 80 tuổi với nhiều nếp nhăn. Chị như không tin vào mắt mình. Những lúc soi gương, Phượng muốn cầm lấy chiếc gương mà ném cho vỡ vụn. Bởi sự thực quá ư tàn nhẫn đối với chị. Chị sống trong đau khổ và tuyệt vọng. Nhiều lúc nghĩ quẩn, Phượng muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho chồng. May mắn lớn nhất trong cuộc đời Phượng, những lúc rơi vào tâm trạng tột cùng đau khổ, người chồng luôn gần gũi, an ủi, vỗ về chị. Anh Tuyển không rời Phượng nửa bước. Anh luôn động viên chị cố gắng để vượt qua nỗi đau trên gương mặt. Hằng ngày, người chồng vẫn động viên Phượng cố gắng sống để vượt lên cơn bệnh tật và sự mặc cảm của bản thân. Những lời nói chân thành của anh Tuyển như bài thuốc hữu hiệu giúp chị Phượng lạc quan hơn với cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh Phượng, gia tài lớn nhất là người chồng cùng sẻ chia với chị trong cơn hoạn nạn của bệnh tật. Cô gái hóa lão bà: Chuyện tình cảm động, Tin tức Việt Nam, Tin tức trong ngày, co gai hoa ba lao, di ung thuoc, gia truoc tuoi, kham benh, chua benh, bao, tin hay, tin hot, tin tuc Sự chung thủy của anh Tuyển với người vợ bệnh tật đã rung động lòng người (Ảnh: Thanh Niên) Từ ngày phát bệnh, Phượng ẩn thân và không dám tiếp xúc với bà con, họ hàng. Những lúc có việc phải ra đường, chị cứ như “nin-ja” thứ thiệt. Đầu đội nón che sụp ngang tầm mắt, mặt mũi được bịt kín để mọi người không nhận ra cô gái Phượng – người từng được mệnh danh là hoa khôi năm nào. Cái lý của Phượng đưa ra cũng đúng. Hôm rồi gặp chị ở Giồng Trôm, chỉ mới trò chuyện được vài câu, Phượng bỗng dưng quay sang đòi “phỏng vấn” ngược. Cô gái chỉ yêu cầu người viết bài nói thật lòng về suy nghĩ của người đàn ông có tình cảnh như Phượng sẽ cảm nhận như thế nào. Và rằng, người ta sẽ mãi yêu một cô vợ có nhan sắc xấu xí như một bà lão hiện giờ giống Phượng chứ? Một câu hỏi quá khó với những người đàn ông thiếu sự chung thủy với vợ. Hay thậm chí, nhiều lúc tình cảnh của Phượng lại là một kết cục đầy bi kịch của những gã chồng có thói trăng hoa. Câu chuyện tình đẹp như cổ tích Đầu tháng 10, Phượng nhận được tin vui. Thông tin về căn bệnh của chị nhanh chóng thu hút sự hiếu kỳ và quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu khoa học. Nhiều Mạnh Thường Quân cảm kích tình cảm của đôi vợ chồng trẻ đã hỗ trợ phần nào chi phí điều trị bệnh cho Phượng. Các bệnh viện khác nhanh chóng tìm đến để xem xét và đưa ra kết luận về căn bệnh lạ của chị. Niềm vui như bất chợt ập đến cho cả 2 vợ chồng. Nhận được tin báo, sớm tinh mơ một ngày đầu tháng 10, cả 2 vợ chồng bắt xe từ Bình Phước về Bến Tre để tiếp xúc với nhiều đoàn y bác sĩ. Hôm đó, các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm hỏi và phỏng vấn về căn bệnh lạ của chị Phượng rất đông. Từ đầu buổi chiều, căn nhà ở ấp 6, thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm bỗng nhiên náo nhiệt khác thường. Gần 3 năm phượng sống một cuộc sống ẩn mặt, nay bà con kéo đến chia sẻ và động viên chị gần như đông đủ. Một người phụ nữ hàng xóm trên đầu tóc bạc trắng, cỡ đâu ngoài 60 tuổi biết chuyện, thấy lạ nên chạy đến “dạ”, “thưa” để hỏi thăm Phượng. Người phụ nữ chưa kịp dứt lời, chị Phượng vội lên tiếng phân bua: “Dạ cô, con là Phượng nè, cô đừng dạ thưa với con nữa”. Nghe giọng nói của chị, mọi người đều khẳng định đúng là cô bé Nguyễn Thị Phượng từng được mệnh danh là “Hoa hậu của huyện Giồng Trôm”. Khác lạ với mọi ngày, Phượng không còn e dè khi phải tiếp xúc với bà con lối xóm và không hóa thân để thành một “nin-ja” bất đắc dĩ. Nhiều lúc, bà con hỏi thăm quá nhiệt tình và đặt nhiều câu hỏi với Phượng về thời gian chị… bặt tăm. Nghẹn ngào không nói nên lời, Phượng nhìn anh Tuyển với ánh mắt thương yêu, biết ơn và đôi mắt chị bỗng rưng rưng. Phượng tâm sự lại quãng thời gian chị phải lánh mặt bà con từ lúc phát bệnh, chỉ mới buổi sáng hôm ấy thôi, trên chuyến xe từ Bình Phước về Bến Tre, trên xe nhiều người bỗng dưng phát hiện ra người thanh niên trẻ tuổi đang chăm sóc một bà già. Mọi người đều vỡ òa và xì xầm về cô gái trẻ đột nhiên thành lão bà được báo giới nhắc đến. Đang cầm ổ bánh mì trên tay, chỉ mới ăn được gần một nửa, Phượng đành phải vứt bỏ rồi nhanh chóng đeo khẩu trang che mặt để tránh những ánh mắt soi mói, những lời nói to nhỏ ở phía sau lưng. Cả một thời gian dài ở phía sau, nhất là những ngày anh Tuyển và chị Phượng phải dắt díu nhau lên tận ấp 1, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), một huyện vùng biên giới giáp Campuchia để lánh xa mọi người và giấu thân phận. Những năm tháng đó sẽ mãi là kỷ niệm không thể nào quên với cả 2 vợ chồng. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, anh Tuyển vẫn luôn bên cạnh người vợ bệnh tật làm cho câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ thêm phần cảm động. Đặt chân đến vùng đất mới, anh Tuyển và chị Phượng thuê căn nhà nhỏ bằng gỗ xập xệ làm nơi trú mưa, trốn nắng. Những ngày đầu sống ở Bù Đốp, anh Tuyển và chị Phượng cứ quanh quẩn mãi trong nhà. Hằng ngày, người chồng dậy từ sớm đi làm nghề mộc mang tiền về cho vợ gom góp với hy vọng vào một ngày có thể đủ tiền chữa chạy thuốc thang cho chị. Ở nhà một mình chờ chồng, Phượng nảy sinh ý định bóc vỏ hạt điều để phụ giúp chồng gánh vác việc nhà. Vậy là, chị nhận lột hạt điều cho người dân gần đó, ngồi ở nhà bóc vỏ cẩn thận và giao lại cho người ta. Thu nhập cả tháng của 2 vợ chồng chỉ tầm 3 triệu đồng nhưng chị Phượng cảm thấy vui vì dù bệnh tật, chị vẫn có thể giúp chồng đỡ đần phần nào gánh nặng. Cuộc sống vợ chồng sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu ngoài giờ kiếm tiền, cả 2 chẳng đi chơi ở thị trấn. Biết vợ ở nhà hoài cũng buồn, anh Tuyển chủ động chở vợ đi ăn tối, có hôm đoàn hát về, anh không quên mua sẵn 2 vé rủ vợ đi xem cùng. Vẫn một chàng trai trẻ chở một bà già sau lưng. Những lúc ăn tối, nhiều người cứ tưởng rằng anh Tuyển với chị Phượng là 2 mẹ con. Nhưng cái cách anh chăm sóc một “bà lão” như tình yêu của một người chồng dành cho vợ. Dù ở ngoài đường, anh Tuyển vẫn không quên nói những lời yêu thương, những hành động thân mật hay ánh mắt âu yếm dành cho vợ. Mọi người nhìn 2 vợ chồng với ánh mắt dị nghị pha lẫn dò xét. Sợ chồng bị hàm oan “phi công trẻ”, chị Phượng phải lớn tiếng thanh minh cho người dân biết bản thân chị bị bệnh nên gương mặt lão hóa nhanh chóng. Dần dà, người dân của thị trấn Bù Đốp không còn ngạc nhiên trước sự xuất hiện của 2 vợ chồng “đũa lệch” nữa. Ấy vậy chứ, nhiều đêm chị Phượng về trằn trọc, tinh thần suy sụp hẳn. Anh Tuyển vẫn luôn là niềm động viên, an ủi. Phượng mặc cảm, tủi phận khi ra đường nhiều người cứ cười nhạo hay chỉ trỏ. Tiếng đời hàm oan, người thanh niên trẻ cặp với bà già xấu xí luôn đeo bám 2 vợ chồng. Đêm về, anh Tuyển không quên trấn an vợ. Anh dỗ dành, động viên, an ủi chị hết lời. Những câu nói ngọt ngào năm xưa anh Tuyển từng “cưa đổ” chị vẫn còn hiệu nghiệm. Anh vỗ về vợ, dù già hay xấu, chị vẫn là vợ anh. Chị Phượng luôn nuôi ước mơ có được chút tiền để đi chữa bệnh. Hoặc giả dụ, nếu bệnh tình không thuyên giảm, chị xin “ông trời” trả lại cho mình khuôn mặt như thuở nào. Với Phượng, người chồng phải chịu đựng và hy sinh cho một người vợ bệnh tật như thế là đã quá nhiều. Cuộc sống vợ chồng đâu thể tránh được những lúc giận hờn nhau. Mười lần như một, anh Tuyển phải làm hòa và hay chọc cười để Phượng vơi bớt đi nỗi mặc cảm, bỏ qua những suy nghĩ muộn phiền tự ti của bản thân. Anh hay trêu chị bằng câu “Hột mít ơi, hột mít à, đừng giận anh nữa nha…”. Chỉ câu nói vui của chồng, nỗi buồn trong lòng chị như tan biến tự lúc nào. Những lần được chồng làm hòa, Phượng tự dưng không còn nhớ đến những khuyết tật trên khuôn mặt nữa. Giọng cô chỉ run run cảm ơn chồng rồi ôm chặt anh vào lòng mà khóc và như không muốn buông ra. Những hôm ra chợ, Phượng phải dùng khẩu trang che mặt để tránh những ánh mắt soi mói giữa chốn đông người. Đến quầy thịt, Phượng phải cởi khẩu trang để trò chuyện với người bán. Chị chủ hàng thịt đã luống tuổi liền gọi Phượng bằng “bà”, xưng bằng “con” một cách hồn nhiên. Bỗng chột dạ, chị phì cười rồi phân bua đủ điều. Chị áy náy và phải tìm cách giải thích cho mọi người hiểu. Phượng dí dỏm cho biết, bà con gọi kiểu đó nếu nhận bừa e rằng sẽ mau… tổn thọ. Những lúc ấy, Phượng cười thật tươi với người ta nhưng chị như tan nát tự cõi lòng. Phượng mang nỗi mặc cảm hết ngày này sang ngày khác nhưng đành phải cam chịu trước cơn bệnh tật. “Gia tài” lớn nhất của cô gái hóa bà lão Tình yêu của anh Tuyển dành cho vợ như thấu tận… trời xanh. Trong một lần đi khám bệnh, bác sĩ phát hiện cô gái trẻ tuổi nhưng mang gương mặt của bà lão. Câu chuyện về Phượng nhanh chóng được lan truyền. Những ngày cuối tháng 9, Phượng về quê ăn giỗ và căn bệnh của cô đã thu hút giới truyền thông. 2 vợ chồng trẻ như chợt lóe lên niềm hy vọng mới. Giới y bác sĩ bắt đầu nhảy vào cuộc, tìm kiếm nguyên nhân căn bệnh của Phượng. Nhiều nhà hảo tâm thương cảm hoàn cảnh éo le của chị nên góp tiền giúp đỡ để 2 vợ chồng có thời gian an tâm chạy chữa. Chị được Bệnh viện Đại học Y Dược kết hợp cùng Bệnh viện 30-4 nhận lời nghiên cứu về căn bệnh và chữa trị miễn phí. Phía Bệnh viện Đại học Y Dược sẽ tổ chức chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị tích cực cho chị Phượng. Sau khi được các y bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra kết luận ban đầu, Phượng bị chứng bệnh tế bào vón. Trường hợp của chị khá đặc biệt vì căn bệnh này chỉ thường gặp ở trẻ em. Trên da của chị Phượng vẫn còn dấu hiệu nổi mề đay. Những nốt đỏ xuất hiện nhiều khi Phượng ăn những món ăn chế biến từ hải sản. Trong quá trình phát bệnh, chị tự mua thuốc và chữa trị theo sự mách nước của một số người. Bệnh của Phượng cứ hết rồi tái phát. Chị tìm đến thuốc đông y để uống và trên cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu sưng phù, da căng tròn. Những đường nứt ở tay, chân, nách dần hiện lên. Trải qua thời gian ngắn, gương mặt của Phượng dần biến dạng, chảy xệ và da nhăn nheo như bà lão. Căn bệnh của chị vẫn có thể điều trị được nhưng đòi hỏi thời gian khá lâu. Nguyện vọng lớn nhất của Phượng về khuôn mặt trẻ lại như độ tuổi thật, theo nhận định của giới chuyên môn, khuôn mặt của chị có thể trẻ lại được từ 50 – 70% so với hiện trạng bằng phương pháp thẩm mỹ. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật căng da, cắt bỏ da thừa và tái tạo lại khuôn mặt. Những ngày lưu lại TP.HCM, Bệnh viện 30-4 sẽ hỗ trợ Phượng công tác nội trú điều trị bệnh. Những ngày qua, trong căn phòng của Bệnh viện 30-4 như náo nhiệt hơn. Một số người nhà bệnh nhân thường hay lui tới hỏi han và tò mò về căn bệnh của Phượng. Trong thời gian Phượng điều trị, anh Tuyển phải luôn động viên và gần như ở bên cạnh chị suốt. Phượng sợ nhất mỗi lúc anh chạy ra bên ngoài mua đồ ăn hay đi đâu đó và bỏ chị lại một mình trong phòng. Ở hoàn cảnh của chị, anh Tuyển là chỗ dựa duy nhất cho các cô gái trẻ không may mắc phải căn bệnh quái ác. Chị Phượng tiếp xúc với mọi người trong gương mặt một bà lão nhưng vẫn còn nét hóm hỉnh, dí dỏm của cô gái độ tuổi 26. Biết được chồng yêu thương chiều chuộng, Phượng hay nũng nịu với anh Tuyển. Chị thích được anh đút cho ăn, được anh hôn lên trán. Những lúc đó, Phượng thường nhắm tít đôi mắt cười lộ rõ sự nhí nhảnh, hồn nhiên. Hôm bác sĩ lấy máu, lấy mẫu tế bào để xét nghiệm và đưa ra kết luận chính xác về căn bệnh của Phượng, chị đòi anh phải đi theo tận nơi như thể sợ chồng bị người khác lấy mất. Phượng xem anh Tuyển là báu vật duy nhất của chị. Đặt điều hỏi chuyện người chồng, anh có sợ sau khi vợ trẻ đẹp như xưa rồi không giữ nổi chị trong vòng tay nữa hay không, anh Tuyển chỉ cười thật hiền rồi nói một cách chân tình, nghĩa vợ chồng thời gian qua Phượng hiểu hơn ai hết. Anh không tin vợ anh dễ thay lòng đổi dạ. Chị Phượng như hùa theo chồng: “Nếu vợ được trẻ và đẹp hơn hồi trước, đó là phần thưởng xứng đáng dành cho anh đó, ông xã à!”. Cả hai vợ chồng cười thật tươi và như rất tâm đắc. Không nói quá, tình yêu của anh Tuyển dành cho Phượng phải làm nhiều cô gái ghen tị và mong muốn tìm được một đấng lang quân chung thủy. Nên cũng chẳng có gì lạ, chị Phượng rất tự hào và xem anh Tuyển là báu vật gìn giữ cho riêng mình. Chị quý đến nỗi xem anh Tuyển như ly thủy tinh dễ vỡ, chỉ sợ làm anh buồn rồi anh chán và bỏ rơi mình bơ vơ lạc lõng. Như để chứng minh, Phượng hài hước chỉ tay vào mặt mình rồi nói: “Chứ em như vầy làm sao bỏ anh được”. Nghe vợ nói một cách cảm động, anh Tuyển chỉ biết cười xòa giãi bày, tình cảm của vợ chồng anh không gì có thể tách rời. Cả 2 vợ chồng giống như hình với bóng nên xa nhau một chút, anh và chị đều cảm thấy nhớ nhau đến da diết. Trước ngày vào TP.HCM, chị Phượng kỳ vọng vào nền y học nước nhà sẽ giúp chị chữa trị thành công căn bệnh quái ác. Mang trên người khuôn mặt bà lão, chị mặc cảm rất nhiều trước số phận của bản thân. Dẫu biết rằng chuyện lấy lại được khuôn mặt gần như cũ của Phượng sẽ là bài toán khó và là thách thức lớn với ngành y tế trong nước nhưng chị vẫn đặt niềm tin mãnh liệt như phép nhiệm màu thần kỳ. Nhìn sang chồng, Phượng cười một cách nhỉ nhảnh rồi nói với chồng: “Vô tình có 1 người được 3 vợ”. Phượng lý giải, gương mặt lúc trước, gương mặt bà lão 80 tuổi hiện giờ và sau này là một gương mặt trẻ như thế nào đang được chờ đợi bằng một sự hy vọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More