Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Con đường đau khổ vào “ốc đảo” Đưng Knớ

Một trận "bão" đói đang hiện hữu ở xã Đưng K'nớ, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả khó khăn mà xã này đang hứng chịu. Đã ba tháng nay, xã Đưng K'nớ gần như bị cô lập với bên ngoài. Số gạo mà huyện cấp cho 1.100 người dân của xã hôm 24.9 đã sắp cạn. Người dân đang chắt chiu những hạt gạo cuối cùng. Nếu tiếp tục mưa và đường vào không khắc phục kịp thì chỉ nửa tháng nữa, cái đói sẽ "hoành hành" ở Đưng K'nớ… Cái đói đang dần bủa vây người dân Đưng K’nớ. Cứ mưa là lầy Từ thành phố Đà Lạt, điểm đầu của Tỉnh lộ 722 đến Đưng K'nớ chỉ 48km. Thế nhưng suốt nhiều tháng qua, hầu như Đưng K'nớ không "tiếp khách". 40km đầu chỉ là chuyện nhỏ nhưng để vượt được 8km cuối cùng đến trung tâm xã là vấn đề mà bất cứ ai muốn vào Đưng K'nớ đều phải băn khoăn. Theo hướng dẫn của anh Phạm Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, muốn vào xã phải gửi xe lại ở Lán Tranh (thôn đầu tiên của Đưng K'nớ) rồi lội bộ vào. Thế nhưng để đến được Lán Tranh, chúng tôi phải đánh vật suốt 2 giờ liền trên 1km đường lầy lội. Theo anh Triều từ Lán Tranh đến xã còn tất cả 14 điểm lầy lội nữa, trong đó có 2 điểm sình lầy rất nặng. Nhưng trên thực tế thì hầu như suốt chặng đường 7km từ Lán Tranh đến xã đâu đâu cũng là sình lầy. Mặc dù đã rất sẵn sàng cho việc lội bộ nhưng chúng tôi cũng phải mất thêm 5 giờ nữa mới đến được xã. Bởi dù con đường có rộng thênh thang thì chúng tôi cũng không có cách nào thoát được bùn đất nhọp nhẹp dưới chân, nhiều đoạn thậm chí bùn còn ngập quá gối. Anh Bon Niêng Ha Tân, cán bộ văn hóa- xã hội xã Đưng K'nớ, người duy nhất ngược hướng, chia sẻ: "Người quen như tôi còn phải mất 4 giờ huống hồ các anh". Anh Tân kể, không phải bây giờ mới thế, 6 năm nay, người dân ba thôn Đưng Trang, thôn 1 và thôn 2 đã phải chịu cảnh này. Cứ mưa xuống là lầy, và chỉ cần mưa kéo dài vài ngày là gần như cô lập, tất cả các phương tiện giao thông gần như không thể vượt qua. Trước khi chia tay, anh Tân quay lại dặn dò: "Các anh phải đi nhanh không thì trời tối không đi được đâu". Đưng K'nớ 3km- thông tin từ trụ số duy nhất còn sót lại trên đoạn đường này khiến chúng tôi hết sức vui mừng. Nhưng bất ngờ một trận mưa tối sầm trời đất. Từ trên núi đất đá ầm ầm đổ xuống, rất may chúng tôi kịp thoát… Hết gạo thì ta ăn rau Được sự chỉ dẫn của anh Tân, chúng tôi tìm đến nhà anh Bon Niêng Ha Đông - Chánh Văn phòng UBND xã. Nhà anh Ha Đông có một cái quán nhỏ, nhưng hơn một tháng nay đã phải nghỉ bán vì chẳng còn hàng. Dọn cơm mời chúng tôi nhưng anh Đông cứ áy náy: "Các anh ăn tạm, mấy tháng nay chẳng chợ búa được gì". Còn vợ anh Đông, chị Nguyễn Ngọc Hiền, giãi bày: "Giờ gần như cả xã ai cũng chỉ ăn cơm với muối. Hàng hóa chẳng chở vào được, cứ kiểu này dân còn đói dài". Anh Đông cho biết, Đưng K'nớ nằm lọt thỏm giữa bốn bề là núi đồi. Chỗ giao thương gần nhất của xã là thành phố Đà Lạt. Nếu không bị tắc đường thì người dân có thể mua được gạo và thức ăn từ các quán trong xã. Nhưng đến nay lượng hàng tại các quán đã cạn kiệt, mà hàng bên ngoài thì không nhập vào được nữa. Hôm 24.9, trước tình hình cấp bách, huyện đã cấp 11 tấn gạo cho 3 thôn nhưng tối đa cũng chỉ cầm cự được thêm 10 ngày nữa. Khi chúng tôi đến nhà, bà K'tra Ha Nga (thôn 2) đang chuẩn bị lên rẫy. "Lên kiếm cái rau và tranh thủ nhặt cà phê rụng về đổi tóp mỡ, hết cái ăn rồi". Nhà bà K'tra có cả thảy 8 người nhưng hôm đi nhận gạo bị ghi nhầm nên bà chỉ nhận được 70kg, thiếu 10kg. Dè xẻn lắm số gạo trên nhà bà cũng không đủ ăn một tháng. Vậy nên bà phải tranh thủ kiếm rau độn vào cho no cái bụng. Cùng chung cảnh ngộ, nhà bà K'sor Ha Yong (thôn 2) cũng đang đối mặt với cảnh túng thiếu. Khi chúng tôi đến cả nhà bà K'sor Ha Yong đang ăn bữa trưa. Bữa cơm chỉ có bí luộc, rau rừng luộc và muối giã ớt. "Buổi trưa ăn vậy thôi, tối mới nấu cơm. Trước đây hết thức ăn thì ra quán mua nợ. Nhưng giờ, thức ăn vừa hiếm vừa đắt quá, không dám mua nữa. Nhà có 7 sào cà phê mới ra quả năm đầu nhưng mưa quá rụng hết hơn một nửa mà đã nợ quán 5 bao gạo, 15 bao phân và 1 năm… mì tôm, bột ngọt, mắm muối, nợ nữa trả sao nổi. Hết gạo thì ăn rau vậy!"- bà Ha Yong phân trần. Chị Nguyễn Thị Bích Ngà, cho biết, hiện tất cả các quán đều đã hết gạo, chỗ chị cũng còn trữ được hơn 1 tấn. Nhưng với "sức ăn" của người dân nơi đây, số gạo trên cũng chỉ được khoảng nửa tháng. Riêng mì tôm thì cả xã chỉ còn khoảng 1.000 gói. Trường hợp của bà K'sor Ha Yong ở thôn 1 mới thật là… "chó cắn áo rách". Hôm đi nhận gạo huyện cấp ở Lán Tranh về, hai vợ chồng hì hục cả buổi vừa khiêng xe vừa khiêng gạo. Nhưng cuối cùng xe rơi ùm xuống chỗ lầy, cả bao gạo 70kg tung toé dưới bùn… Vậy là hơn 10 ngày nay, cả nhà bà cứ mỗi ngày phải nợ quán 28 gói mì tôm. Hầu hết những ai "liều" mang xe máy đi nhận gạo đều bị đổ xuống đường. Có người phải vứt gạo ở dọc đường sáng hôm sau mới ra cõng về được, có người đến ngày 5.10 (tức sau 10 ngày) mới mang được gạo về nhà. Theo quan sát của chúng tôi, nếu nửa tháng nữa đường vào Đưng K'nớ vẫn chưa thông được thì chắc chắn sẽ có khoảng một nửa số dân ở đây (tức khoảng 550 người) thiếu đói. Hiện hầu hết các quán trong xã đều đã cạn lương thực. Theo anh Phạm Triều, tỉnh đã chỉ đạo đến ngày 15.10 đường vào Đưng K'nớ phải được thông, có thể đưa được xe 2 tấn chở lương thực, thực phẩm đến Lán Tranh. Tuy nhiên đến ngày 4.10, con đường chưa có bất kỳ tác động tích cực nào, mà còn xuất hiện thêm nhiều điểm lầy lội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More