Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Hàng trăm cán bộ giữ rừng lay lắt sống vì không có nguồn lương

Khi dự án 5 triệu ha rừng kết thúc cũng là lúc hàng trăm cán bộ quản lý rừng thuộc diện đơn vị tự chi trả ở Nghệ An không có lương, cuộc sống vô cùng khó khăn, trong khi cơ quan chức năng chưa tìm ra cách tháo gỡ. Anh Lương Quý Tài và Nguyễn Thanh Hưng - cán bộ quản lý rừng 2B thuộc BQL rừng phòng hộ Quế Phong - trò chuyện với phóng viên Hiện tại, cuộc sống của hàng trăm cán bộ quản lý bảo vệ rừng thuộc đối tượng 2B (đơn vị tự trả lương) tại các BQL rừng phòng hộ trong tỉnh Nghệ An đang hết sức khó khăn bởi từ đầu năm tới nay họ chưa được nhận lương. Nguồn trả lương cho họ vốn từ nguồn kinh phí thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Khi dự án này kết thúc cũng là lúc các BQL rừng phòng hộ không kiếm ra nguồn để trả lương cho anh em. Hết dự án, hết lương Hiện Nghệ An có hàng trăm cán bộ quản lý rừng phòng hộ diện “biên chế tự trang trải kinh phí”. Lực lượng này được gọi dưới cái tên: Cán bộ quản lý rừng 2B, để phân biệt với cán bộ quản lý rừng 2A - cán bộ biên chế hưởng lương Nhà nước. Mặc dù khác biệt về nguồn hưởng lương nhưng tất cả họ đều có chung một nhiệm vụ: quản lý, bảo vệ các khu rừng phòng hộ. Mọi việc chẳng có gì đáng nói nếu không có một ngày họ nhận được thông báo: Hiện các dự án đã hết, BQL rừng phòng hộ không có nguồn để trả lương cho anh em. Đó là thời điểm cuối năm 2010, khi dự án 5 triệu ha rừng kết thúc. Anh Lương Quý Tài - Trạm phòng hộ số 3 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong (Nghệ An) - cho biết: “Khi BQL rừng phòng hộ Quế Phong thông báo hết nguồn chi trả lương, chúng tôi nghĩ đó là khó khăn tạm thời thôi. Thế nhưng khó khăn đó đã kéo dài từ đầu năm 2011 cho đến tận bây giờ. Mặc dù BQL đã tìm mọi cách để anh em duy trì cuộc sống một cách tối thiểu nhưng nếu cứ kéo dài thì cả BQL lẫn anh em 2B chúng tôi đều… “chết” vì không có lương”. Một cánh rừng phòng hộ ở huyện Tương Dương đang bị tàn phá “Tháng 1/2011 chúng tôi vẫn được nhận đủ lương, sang tháng thứ 2 trở đi thì chỉ được nhận mỗi tháng 1 triệu đồng. Nói là 1 triệu đồng nhưng chúng tôi chỉ thực nhận hơn 400 nghìn đồng vì còn phải đóng bảo hiểm và các khoản khác. 400 nghìn đồng cho cả nhà thì sống răng nổi”, anh Nguyễn Thanh Hưng - một đồng nghiệp của anh Tài cho biết. Không được nhận đủ tiền lương nhưng các cán bộ rừng này vẫn cần mẫn đi tuần với cung đường cỡ vài chục cây số đường rừng mỗi ngày để kiểm tra, quản lý và bảo vệ các cánh rừng phòng hộ trước sự phá hoại của lâm tặc và người dân thiếu ý thức. Vai trò trụ cột gia đình về kinh tế chuyển hẳn sang vai những người vợ của cán bộ giữ rừng. Cùng với anh Hưng, anh Tài, hiện tại BQL rừng phòng hộ Quế Phong có 15 cán bộ bảo vệ rừng khác cũng chịu chung hoàn cảnh. Trong khi đó con số này tại BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Châu… mỗi đơn vị có 14-16 người. Khi cuộc sống của những cán bộ bảo vệ rừng không được đảm bảo, liệu Nghệ An có còn những cánh rừng xanh tốt như thế này (ảnh chụp tại huyện Con Cuông) Cầm cự với số tiền lương ít ỏi, thậm chí những tháng không có một đồng lương nào nhưng lực lượng này vẫn bám trụ với rừng. Bởi một lẽ, như anh Tài nói: “Gắn bó với rừng lâu rồi, rừng trở thành máu thịt của mình rồi, bỏ đi không nỡ. Với lại giờ mà nghỉ cũng không biết làm gì mà nuôi vợ con. Hy vọng tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn cho anh em chúng tôi”. Chưa tìm ra cách tháo gỡ Hết nguồn để trả lương cho anh em cán bộ bảo vệ rừng diện 2B, nhiều ban quản lý rừng đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Nghệ An thì đến tháng 4/2011, một loạt cán bộ 2B đã xin nghỉ việc. Không có tiền chi trả lương, Ban quản lý rừng Phòng hộ Quế Phong đã phải thông báo cho anh em nghỉ việc từ đầu tháng 5/2011. “Bằng nguồn dự trữ của mình, chúng tôi chỉ có thể trả đủ lương cho anh em trong tháng 1/2011. Sau đó chúng tôi phải vận dụng tất cả các mối quan hệ để vay tiền về chi trả lương cho các cán bộ diện 2B nhưng cố lắm cũng chỉ trả cho mỗi người một triệu. Đến tháng 5 thì chúng tôi không tìm đâu ra nguồn chi trả buộc phải thông báo cho anh em nghỉ nhưng anh em tự nguyện ở lại san sẻ khó khăn với Ban và quyết tâm bám trụ bảo vệ rừng nên chúng tôi phải tìm cách tiếp tục vay mượn giải quyết mức lương tối thiểu và đóng bảo hiểm cho họ. Ông Phan Thanh Quang - Trưởng BQL rừng phòng hộ Quế Phong: "Để có tiền chi trả một phần lương cho anh em cán bộ bảo vệ rừng, chúng tôi đã phải vay mượn khắp nơi" Tính ra đến tháng 7/2011 chúng tôi đã nợ 100 triệu đồng rồi. Nếu tình trạng này kéo dài thì anh em sẽ bỏ rừng để tìm việc vì còn phải lo cho vợ con. Khi đó chắc chắn công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã có ý kiến lên Sở NN&PTNT nhưng Sở cũng chưa tìm ra cách giải quyết”, ông Phan Thanh Quang - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong cho biết. Theo ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An thì vấn đề này Sở đã biết từ rất lâu rồi nhưng chưa tìm ra cách giải quyết. “Dự án 5 triệu ha rừng hết từ năm 2010 nhưng đến tháng 4/2010 mới thông báo hết nguồn vốn trong khi hết tháng 12/2010 đã phải hoàn tất kế hoạch ngân sách cho cả năm 2011. Bởi vậy tỉnh rất bí vì không thể thay đổi kế hoạch ngân sách cả năm được. Trước mắt chúng tôi yêu cầu các Ban quản lý rừng phòng hộ dùng tiền nhàn rỗi, thậm chí có những nguồn nộp cho Nhà nước mà chưa nộp để trả lương cơ bản nhất cho anh em, đảm bảo một phần đời sống không để anh em bỏ việc”, ông Cảnh cho hay Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thọ Cảnh, đây chỉ là biện pháp tình thế. Để giữ và đảm bảo cho đời sống của lực lượng bảo vệ rừng này, UBND tỉnh Nghệ An và các Sở, ban, ngành liên quan cần có một kế hoạch cụ thể, dài hơi hơn. Hiện tại Sở NN&PTNT Nghệ An đang có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho anh em quản lý rừng 2B và BQL các rừng phòng hộ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét: “Thứ nhất, để có nguồn chi trả cho đối tượng bảo vệ rừng 2B trong khi các dự án đã hết, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh xem xét số tiền thu hoạch lâm sản, lâm luật từ tháng 8/2011 trở về trước không chi vào nguồn khác mà tập trung vào giải quyết vấn đề này. Sở NN&PTNT Nghệ An đang phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc tỉnh tính toán lượng tiền kết dư dự án 5 triệu ha rừng từ năm 2006 đến nay. Số tiền này còn được bao nhiều dồn hết để giải quyết tiền lương và chế độ cho anh em. Bên cạnh đó, Sở cũng đang kiến nghị đưa mảng bảo vệ, quản lý rừng vào chương trình 30a để tranh thủ nguồn vốn từ chương trình này bởi lẽ quản lý và bảo vệ rừng cũng là một trong những nội dung phát triển miền núi. Chúng tôi cũng đã tham mưu thành lập quỹ bảo vệ quản lý rừng để tháo gỡ khó khăn cho anh em về lâu dài. Tuy nhiên vấn đề này đang phải chờ cơ quan chức năng thẩm định”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More