Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Ô tô né trạm thu phí vào TP.HCM sẽ bị phạt nặng

Việc thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM có thể thấp so với bộ phận nhỏ người dân giàu có nhưng sẽ cao so với phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, như: taxi, du lịch, vận tải hàng hóa... Đơn vị đề xuất dự án cho biết, hình thức đầu tư dự án vẫn chờ quyết định cuối cùng của TP.HCM và nếu được áp dụng, việc thu phí sẽ công bằng với tất cả mọi người dân. Trong trường hợp có xe “né” trạm, sẽ tiến hành xử phạt khi luật hoàn chỉnh. Liệu có công bằng với các doanh nghiệp taxi, du lịch, vận tải? Trước những băn khoăn của dư luận TP.HCM, phóng viên đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Lâm Thiếu Quân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), đơn vị nghiên cứu, đề xuất dự án. Ông Quân cho biết, khi nghiên cứu dự án và đề xuất lên UBND TP.HCM, ITD đã nghiên cứu, phân tích, tham khảo và lắng nghe nhiều ý kiến góp ý, sao cho đề án hoàn chỉnh và hợp lý nhất. Việc thu phí tác động trực tiếp đến người dân nên ITD càng phải thận trọng hơn bao giờ hết và nếu được triển khai, việc thu phí sẽ rất công bằng với tất cả mọi người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí trên không đáng là bao so với những người có xe hơi và họ sẵn sàng bỏ tiền để đi vào trung tâm thành phố. Ông Quân cho hay, việc thu phí trên là hợp lí nhất ở thời điểm hiện tại. Có thể thấp so với bộ phận nhỏ người dân giàu có nhưng sẽ cao so với phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, như: taxi, du lịch, vận tải hàng hóa... Chỉ cần đưa ra so sánh nhỏ như vậy cũng dễ thấy sẽ giảm được lượng ô tô vào thành phố rất lớn. Bên cạnh đó, việc thu phí diễn ra liên tục, chứ không phải ngày một ngày hai. Nếu thỉnh­­ thoảng vào nội thành thì không sao nhưng nếu xe vào thường xuyên thì tình hình sẽ khác, chắc chắn họ phải cân nhắc chọn phương tiện hay hình thức di chuyển khi đi. Điều quan trọng là việc thu phí sẽ dẫn tới 4 tác động: làm thay đổi tuyến đi (đi sang những tuyến không bị thu phí); đích đến (không đến khu trung tâm thường xuyên nữa); thời gian đi (đợi hết thu phí rồi mới đi) và cuối cùng, họ sẽ thay đổi phương tiện (chuyển sang đi xe buýt hay xe máy chẳng hạn). Ô tô 'né' trạm thu phí vào TP.HCM sẽ bị phạt nặng Liệu đề xuất của ITD có hạn chế được xe ô tô vào trung tâm TP và giảm kẹt xe ở TP.HCM? Về “số phận” taxi, trong đề án của ITD đã nêu rõ, taxi mặc dù không phải thuộc diện ưu tiên nhưng khi đi qua các cổng thu phí, taxi không phải trả tiền mà chính là người đi trả số tiền trên. Thực tế hiện nay khi đi qua các trạm thu phí mặc dù taxi trả tiền trực tiếp nhưng sau mỗi chặng đi, tài xế taxi vẫn tính cộng cả số tiến đóng phí trên đường cho hành khách. Việc thu phí cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chuyện ùn tắc các tuyến đường lân cận, do thu phí sẽ giảm lượng xe ô tô tại các tuyến đường nội thành. Ngoài ra, sẽ kiến nghị TP.HCM sẽ tổ chức các tuyến đường 1 chiều song hành đối với xe ô tô và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc đề xuất các biện pháp tổ chức giao thông, phân luồng để giải quyết ùn ứ một số tuyến lân cận. Được biết, trong thời gian tới, một số công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành, đặc biệt là hầm Thủ Thiêm (vào cuối tháng 11 tới) sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại các tuyến vành đai ngoài khu vực trung tâm. Đáng lưu ý là dự án chỉ áp dụng khi các đường vành đai như Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài, hệ thống đường vành đai phía Đông đã hoàn thành. Ô tô 'né' trạm thu phí vào TP.HCM sẽ bị phạt nặng Vùng thu phí (màu đỏ) mà ITD đề xuất lên UBND TP.HCM Trở lại với câu hỏi trên, ông Quân khẳng định, việc thu phí rất công bằng đối với tất cả người dân. Cụ thể, ITD kiến nghị thu phí 1 vòng, tức chỉ thu phí khi xe đi vào quận 1 và 3, còn khi đi ra thì không. Mặt khác, mục đích thu phí là giảm kẹt xe nội thành, nếu người dân có thể chọn các phương tiện khác di chuyển, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng thì dự án lại càng thiết thực. Đặc biệt, dự án khuyến khích các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động sau giờ thu phí. Như thế vừa không phải đóng phí vừa giảm áp lực về giao thông cho thành phố. "Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng, dù lập nhiều cổng thu phí nhưng vẫn không thể kiểm soát được 100% xe ô tô vào nội thành, nhất là nhiều trường hợp đã cố tình "né". Nếu phát hiện vi phạm chắc chắn sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là chưa có các biện pháp xử phạt đối với những trường hợp này. Sắp tới, chúng tôi sẽ trình kiến nghị bổ sung các biện pháp xử phạt đối với các trường hợp không đóng phí lên Bộ Công an, GTVT và Tài chính, nhằm có biện pháp chế tài một cách hoàn chỉnh và phù hợp nhất", ông Quân nêu rõ. BTO hay BOT? Trong khi, ITD (đơn vị nghiên cứu, đề xuất dự án) chọn phương thức đầu tư cho dự án là BTO (Xây dựng – chuyển giao – vận hành) thì Sở GTVT TP.HCM lại chọn hình thức BOT (Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Theo Sở GTVT, sở dĩ chọn BOT do hình thức đầu tư mà ITD đề xuất hoàn toàn mới nên việc vận hành quản lý sẽ rất khó khăn. Trong khi, các thiết bị được lắp đặt, vận hành tại các trạm thu phí sẽ được xây dựng rất mới mẻ. Do đó, nên giao trực tiếp cho đơn vị đề xuất làm chủ dự án, đồng nghĩa việc áp dụng hình thức đầu tư cũ nhằm đảm bảo việc vận hành trơn tru và quản lý chặt chẽ. Trái ngược với quan điểm trên, ông Lâm Thiếu Quân – Tổng giám đốc ITD, lý giải, tuy hình thức đầu tư mà ITD đề xuất là mới nhưng đơn vị trực tiếp xây dựng (ITD) luôn đảm bảo về mặt vận hành kỹ thuật. Đặc biệt, việc xây dựng và chuyển giao cho TP.HCM quản lý sẽ tránh rườm rà trong quản lý. Khi thành phố trực tiếp quản lý nếu trong trường hợp cần điều chỉnh những vấn đề phát sinh khi vận hành trạm thu phí thì sẽ nhanh chóng tìm được giải pháp và đưa ra được quyết sách phù hợp. Trong khi, nếu ITD quản lý thì cũng phải đưa ra thảo luận, thống nhất và chờ đưa ra chủ trương cuối cùng. Mặt khác, số tiền thu phí sẽ được thu về trực tiếp cho ngân sách thành phố rồi mới hoàn trả lại chi phí cho nhà đầu tư. Số tiền này sẽ bổ sung vào ngân quỹ của TP.HCM, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án giao thông khác một cách nhanh chóng. Còn nếu ITD làm chủ thì việc thu chi sẽ “quay” rất nhiều vòng mới vào ngân quỹ. Ngoài ra, Sở GTVT còn kiến nghị cần phải báo cáo, giải trình trước HĐND, UBND TP.HCM và các tổ chức chính trị, xã hội để có sự thống nhất và đồng thuận của dư luận. Bởi đây là dự án tác động lớn đến cuộc sống người dân, gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Diễn biến đề án “thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM” mà ITD đề xuất lên UBND TPHCM: Tháng 10/2008: TP.HCM đề xuất dùng biện pháp tài chính thu phí lưu hành đối với ô tô để chống ùn tắc nhưng bị Bộ Tài chính “bác” vì không khả thi. Tháng 9/2009: ITD trình UBND TP.HCM xem xét về chủ trương phương án thu phí ôtô theo mô hình Singapore. Tháng 12/2009: UBND thành phố chấp thuận để ITD nghiên cứu dự án. Tháng 1/2010: Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận về nguyên tắc để TP.HCM thu phí ôtô lưu thông trong khu vực trung tâm. Tháng 8.2010: Hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP .HCM chấp thuận để ITD tiếp tục triển khai nghiên cứu lập báo cáo khả thi. Tháng 7/2011: Hoàn thành giai đoạn nghiên cứu khả thi. Sau khi lấy ý kiến các sở ngành, Sở GTVT có tờ trình gửi UBND thành phố đề xuất thí điểm triển khai dự án. Hà Nguyễn - Đặng Sinh Theo Bưu Điện Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More