Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Tiếp tục mưa lớn, lũ lụt chia cắt nhiều nơi

Khúc ruột miền Trung đang vật lộn tơi bời với mưa lũ. Nhiều khu vực đã bị chia cắt nặng nề. Ngoài thiệt hại về vật chất, đã có những cái chết thương tâm trong dòng nước lũ khắc nghiệt. Miền Trung: Mưa lớn, nước ngập, nhiều thiệt hại Phát động ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão lũ Quảng Ngãi: nước lũ tràn quốc lộ gây ách tắc giao thông Hồi 13g30 chiều 17-10, nước lũ tràn qua quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Có đoạn nước ngập sâu 0,5m gây ách tắc giao thông trên tuyến. Thượng tá Huỳnh Minh Giảng, phó trưởng Công an huyện Mộ Đức cho biết, ngay khi nước lũ tràn qua quốc lộ 1A, lực lượng công an phải ra chốt chặn, phân luồng giao thông để giải quyết ùn tắc, đồng thời cấm tất cả xe gắn máy nhằm đảm bảo an toàn, điều tiết phân luồng cho ôtô qua từng chiếc ở đoạn lũ tràn. Mưa lớn cũng đã làm hàng ngàn ngôi nhà ở tỉnh Quảng Ngãi bị ngập sâu trong nước. Nước lũ tràn qua quốc lộ 1A qua huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi - Ảnh: V.Minh Chiều 17-10, ông Nhâm Xuân Sỹ - giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, trong đêm 17 và ngày 18, mực nước ở các sông Quảng Ngãi sẽ lên nhanh, trong đó tại sông Vệ và sông Trà Bồng sẽ vượt báo động 3, sông Trà Khúc sẽ gần báo động 3. Nhiều địa phương đã khuyến cáo người dân cảnh giác, chủ động đối phó với những diễn biến mưa lũ. Nước lũ chia cắt nhiều khu dân cư - Ảnh: V.Minh Hà Tĩnh: Hàng nghìn hộ dân bị cô lập Mưa lớn cùng với nước ở thượng nguồn các con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đổ về khiến hàng nghìn hộ dân ờ Hà Tĩnh bị cô lập, quốc lộ 15 đi từ TP Hà Tĩnh lên Hương Khê bị ngập sâu hơn 1m. Nước lũ đang làm cô lập xã Phương Điền và Phương Mỹ - Ảnh: Văn Định Đến thời điểm này nước lũ ở huyện Vũ Quang đã rút xuống nhưng vẫn làm 2.864 hộ dân bị chia cắt hoàn toàn. Theo báo cáo nhanh của huyện Vũ Quang, do ảnh hưởng mưa lũ, 20 hộ dân ở xã Đức Lĩnh ngập sâu trong nước, đặc biệt sạt lở ở sông Ngàn Trươi đã khiến hai hộ dân ở thị trấn Vũ Quang buộc phải di dời đến nơi an toàn. Mưa lũ cũng đang làm chia cắt, cô lập 3 xã của huyện Hương Khê như Phương Mỹ, Hà Linh, Hương Giang. Chủ tịch xã Phương Mỹ, ông Nguyễn Hồng Quân cho biết người dân xã này đang bị cô lập hoàn toàn, chỉ biết đi lại bằng thuyền. Chiều tối ngày 16-10, nước lũ dâng nhanh buộc chính quyền xã phải điều động người di dời 78 hộ dân đến nơi an toàn. Đà Nẵng: Nước tràn hồ chứa, nhiều vùng ngập nặng Tại Đà Nẵng, lúc 8g sáng 17-10, hồ Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bắt đầu xả lũ. Nước sông Túy Loan lên nhanh gây ngập lụt nhiều nơi ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) - Ảnh: Đoàn Cường Theo một cán bộ vận hành hồ này, khi hồ đạt cao trình nước 33,3m thì lượng nước trong hồ đạt 17,6 triệu m3. Khi nước lên 34,2m, hồ bắt đầu mở van sâu cửa xả tối đa đạt 625m3/s. Lẽ ra hồ đạt 35m mới bắt đầu xả nước, nhưng để đảm bảo an toàn hồ chứa, sau khi được sự đồng ý của cơ quan chức năng và thông báo cho người dân hạ lưu là hồ xả nước. Từ rạng sáng 17-10, do nước từ thượng nguồn đổ về nhiều đã khiến mực nước hồ Đồng Nghệ vượt cửa tràn tự do. Đến chiều cùng ngày hồ vẫn tiếp tục xả nước tối đa. Việc thi công các dự án ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bít hết đường chảy khiến nhiều khu dân cư ở đây bị ngập nặng - Ảnh: Đoàn Cường Nước sông Túy Loan lên nhanh đã nhấn chìm nhiều vùng của xã Hòa Nhơn khiến giao thông ở đây bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều gia đình phải vội vã vận chuyển lương thực di tản lên tầng 2 của trường THCS Phạm Văn Đồng. Do mưa to, nước lên nhanh, nhiều trường học đã đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh. Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Hòa Vang cho biết đã cho 23.000 học sinh trên toàn huyện nghỉ học do nước lụt. Người dân ở thôn Phú Hòa 2 đã phải di dời tài sản vào trường Phạm Văn Đồng để tránh lũ - Ảnh: Đoàn Cường Mưa lớn khiến quốc lộ 14B nhiều đoạn bị ngập cục bộ với mực nước từ 50-70cm. Tuyến đường tránh Nam Hải Vân nước lụt cũng vượt qua mặt đường, lực lượng CSGT phải túc trực tại đây để phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Còn tại xã Hòa Phong, Hòa Khương… có nơi ngập hơn 2m. Tại thôn Cẩm Toại Trung nhiều gia đình đã di tản tài sản, lúa gạo lên đường quốc lộ 14B. Do nước từ hồ Đồng Nghệ tiếp tục chảy về hạ lưu nên khu vực này nước lụt vẫn ở rất cao. Người dân ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) phải đi xin nước lọc về để sử dụng trong ngày ngập lụt - Ảnh: Đoàn Cường Chỉ cứu được một học sinh Chiều 17-10, hàng trăm người tập trung tìm thi thể em Nguyễn Văn Quang, bị chết đuối trong vụ hai học sinh bị ngã xuống kênh. Ông Phạm Thanh (60 tuổi, ở tổ 100, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)đã cứu được một trong hai em nhỏ bị ngã xuống kênh. Ông Thanh (mặc áo mưa màu vàng) - Ảnh: Hữu Khá Người còn ướt đẫm, tay run run, ông Thanh nói: Tui đang đi ăn trưa về thì thấy dưới kênh có hai cháu nhỏ với với tay. Còn trên bờ thì ba đứa trẻ khác la lớn cứu, cứu. Thấy vậy, ông Thanh không kịp cởi áo mưa đã lao xuống dòng kênh chảy xiết. Trời lúc này đổ mưa lớn, khu vực trên không có người qua lại. Ông hai tay cầm hai đứa trẻ vật lộn với dòng nước càng về phía chân cầu càng xoáy mạnh hơn. “Khi đó, nước chảy ghê lắm. Tui cố hết sức ghì chặt hai đứa vào mình. Cựa quậy mãi vẫn không tìm được chỗ bấu vào do bờ kênh thẳng đứng, trơn trượt. Đến khi trôi tới chân cầu, tui dùng thân mình áp vào trụ cầu để đẩy hai đứa nhỏ lên. Nhưng nước bất ngờ đánh mạnh một phát vào cánh tay bên trái của tui khiến thẳng nhỏ tuột mất. Tui chỉ kịp đưa thằng kia lên bờ, nhảy xuống lại dòng nước thì đứa nhỏ mất tăm”.- ông Thanh nói trong nước mắt. Trước đó, lúc 2g chiều 17-10, em Nguyễn Văn Quang (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận Liên Chiểu) cùng bốn bạn học sinh cùng trường ra bờ cầu kênh khu vực đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chơi. Bất ngờ Quang và em Hồ Quyền bị ngã xuống dòng nước. Nhưng may mắn Quyền đã được ông Thanh cứu sống, còn Quang, hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More