Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Tò mò chuyện vua Việt Nam với đàn bà

“Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao”, vua Lý Thánh Tông tự trách mình khi đi đánh Chiêm thành không thành công. Lý Thánh Tông (1054 - 1072) tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của vua Lý Thái Tông và Kim Thiên thái hậu họ Mai. Năm Thiên Thành thứ 1 (1028), Nhật Tôn được sách phong Đông cung thái tử; khi Thái Tông băng hà thì lên ngôi báu. Ông là vị vua nổi tiếng tận tụy với công việc, thương dân, bình ổn chính trị, khiến phương Bắc phải kiêng nể, phương Nam kính sợ. Hơn thế nữa, ông còn xứng đáng là vị vua mở đầu cho quốc hiệu Đại Việt hiển hách. Vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Sự nghiệp của Lý Thánh Tông có ba điểm nhấn lớn trong lịch sử Việt Nam, mà đời sau còn nhắc đến nhiều lần: nước Đại Việt, Văn Miếu và mở đất ba châu phía nam. Sử sách chép, vào năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trong khi vua cùng Lý Thường Kiệt ở ngoài biên cương, Ỷ Lan nguyên phi đảm đang, chăm lo quốc sự, trị nước có kỷ cương khiến thần dân thán phục, cõi nước được yên vui. Từ ngoài biên ải, vua Lý Thánh Tông đánh trận lâu ngày không thắng, chán nản rút quân quay về. Về chưa đến nơi, nghe dân chúng Châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng) ca ngợi nguyên phi ở nhà trị nước rất giỏi, lòng dân cảm hóa, được suy tôn là bà Quan Âm, nhà vua đã tự trách mình: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao!”. Vua lại tiếp tục trở ra đánh giặc, lần này thắng lớn… Mùa hạ năm đó, vua bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ (Rudravarman III), đem quân về ca khúc khải hoàn, đại xá cho thiên hạ, giảm thuế khóa, phát tiền lụa, thóc cho dân nghèo; đồng thời đổi niên hiệu là Thần Vũ. Chế Củ xin dâng đất ba châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Thánh Tông lấy 3 châu ấy và cho Chế Củ về nước. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị. "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao" Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư không chịu thần phục nhà Ngô. Lúc đó, do hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng trị vì, Đinh Bộ Lĩnh sai con trai Đinh Liễn vào Cổ Loa làm con tin. Đinh Liễn đến, hai vua Ngô trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn, đem theo đi đánh Hoa Lư. Hơn một tháng, quân Ngô không đánh nổi, hai vua bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Đinh Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói: "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?". Tượng thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh). Thế là, Đinh Bộ Lĩnh sai hơn 10 tay nỏ nhắm Đinh Liễn mà bắn. Điều này khiến hai vua Ngô kinh sợ nói: "Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì?". Cuối cùng, Đinh Liễn không chỉ thoát chết, mà còn được trở về bên cha. Sử sách chép, từ năm 951 tới năm 965, Đinh Liễn làm con tin ở Cổ Loa. Năm 954, Xương Ngập chết. Năm 965, Nam Tấn vương Xương Văn tử trận, triều đình Cổ Loa rối ren chia bè phái, Đinh Liễn trở về Hoa Lư. “Ta há vì mộng mị vô thường để chịu thiệt nàng sao” Năm Đinh Tỵ (1377), vua Trần Duệ Tông cất 12 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đi theo ngự giá. Khi thuyền chiến tới cửa biển Kỳ Hoa (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thì gặp gió to sóng lớn. Đêm ấy, nhà vua mộng thấy một vị thần xưng là Nam Minh đô đốc, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền đi qua. Sáng hôm sau, vua vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ. Ai nấy nín lặng nhìn nhau, mặt cắt không được giọt máu, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói: "Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân". Thấy ái phi quyết liều mình, Duệ Tông rất thương, bèn nói: "Lành dữ có số, họa phúc do trời. Ta há vì mộng mị vô thường để chịu thiệt nàng sao. Không được. Kẻ kia muốn làm gì thì làm, ta quyết không sợ!" Tuy nhiên, với ý chí quyết xả thân vì nghiệp lớn của quý phi Bích Châu, vua Duệ Tông đành tổ chức cúng thần biển. Song, mọi việc vẫn không “thuận chèo mát mái”, nhà vua bất ngờ bị trúng mưu của giặc Bà Ma, một tướng của Chế Bồng Nga, khiến toàn quân tan rã. Vua tử trận ở Đồ Bàn (Qui Nhơn ngày nay). “Đàn bà ghê sợ hơn đàn ông” Trước chuyện nhà "rắc rối" của hoàng đế Gia Long, triều thần gốc Pháp là J.B.Chaigneau đã bày tỏ sự cảm thông và tâu trình vua một kế sách: "Hoàng thượng có thể giảm bớt mối sầu khổ trong chuyện nhà bằng cách hạn chế nạp phi". Vua Gia Long. Điều này như "chạm phải tổ kiến lửa", vua lập tức cho lính vệ và hộ vệ quân được phép lui ra; sau đó, hài hước chia sẻ: "Ồ! Ông Chaingneau, nếu các quan đồng liêu của khanh nghe được điều khanh vừa mới nói ra, họ sẽ trở thành những kẻ thù truyền kiếp của khanh. Khanh không biết rằng, các cung phi hầu hết là con gái của các quan ư?". Không dừng ở đó, hoàng đế Gia Long còn cho biết, không bao lâu nữa, một vị quan sẽ dâng hiến con gái và dù ở bậc tối cao thiên hạ thì vua cũng không thể từ chối vì như vậy, vua sẽ chọc tức ông ta và cùng chịu đau đớn. Bởi lẽ, con gái một quan trong triều được chọn làm vợ vua là một vinh dự của gia tộc; đồng thời về phía quân vương, đây lại là sự đảm bảo cho lòng trung thành của đấng bề tôi. "Nếu Trẫm ghét bỏ một một trong các cung phi, thì nó sẽ than phiền với thân phụ nó ngay và nếu không sỉ nhục to tiếng trước tuổi tác già nua của Trẫm, thì ông ta cũng khéo léo gieo rắc giữa các quan những sự đồn đại vụn vặt về Trẫm, sẽ làm cho Trẫm mang đầy sự lố bịch trước đôi mắt của thần dân", vua than phiền. "Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ ghê sợ hơn đàn ông", vua Gia Long tuyên bố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More