Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

"Tôi làm việc đúng nguyên tắc, đúng cái tâm, không tư lợi. Do đó tôi không có trách nhiệm hay liên đới đến cái chết của bà Lan", Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nụ, người bị tố trù úm gây ra cái chết của cô giáo Nguyễn Thị Lan khẳng định. <>“Không có chuyện âm mưu” Trao đổi với Đất Việt qua điện thoại. bà Nguyễn Thị Nụ, Hiệu trưởng Tiểu học Hồng Hà một mực khẳng định rằng không có việc bà trù úm khiến cô giáo Nguyễn Thị Lan phải tự tử. “Suốt thời gian cô Lan công tác tại trường, tôi không có thái độ gì kỳ thị hay bất bình đẳng với cô Lan như người nhà phản ánh với báo chí cũng như những lời ghi trong di thư. Là một người lãnh đạo tôi luôn tôn trọng ý kiến nhận xét của cấp dưới, của tập thể trước khi đánh giá một con người chứ không bao giờ làm theo cảm tính hay mang tính cá nhân”, bà Nụ giải thích. Bà Nụ cũng phản bác ý kiến cho rằng bà có âm mưu trù dập cô giáo Lan, bởi lẽ người trực tiếp phân công công việc cũng như nhận xét bà Lan là hiệu phó nhà trường Lê Hữu Thanh chứ không phải là bà. Do đó, bà chỉ là người đưa ra những đánh giá sau cùng khi có nhận xét của hiệu phó và các tổ trưởng. Về những sự việc mà người nhà bà Lan cho rằng đó là biểu hiện của sự kỳ thị, trù úm, bà Nụ cho rằng những thông tin đó hoàn toàn sai, sai cả về sự việc lẫn mốc ngày tháng, năm. Tuy nhiên, bà Nụ cũng thừa nhận có một số mâu thuẫn nhỏ và một số sự việc mà bà Lan, chị Hằng đã hiểu nhầm. Về chi tiết “câu nói đùa” mà chị Nguyễn Thị Hằng, con gái bà Lan cũng như những dòng “nhật ký” để lại của bà Lan cho rằng đó là đầu mối của những mâu thuẫn sau này, bà Nụ khẳng định, sự việc này hoàn toàn không đúng như vậy. Tiểu học Hồng Hà, ngôi trường bà Nụ công tác “Đúng là cô Hằng đã nói câu “hiệu trưởng vắng họp cũng ghi vào” nhưng không phải thời điểm là năm 2005 mà là ngày 27/11/2004. Hôm đó là buổi hội nghị họp theo tổ cũng đúng vào thời điểm tôi đang đi học lớp quản lý. Sau đó, hiệu phó cũng phản ánh lại với tôi và tôi cũng trao đổi lại với cô Hằng là sao cô lại nói thế thì cô Hằng nói chỉ là nói đùa. Đến 6/12/2004, tôi tổ chức họp hội đồng để triển khai công tác tháng nhưng đến cuối buổi cô Hồng đề nghị có ý kiến và yêu cầu tôi nói trước hội động rằng ai là người nói lại với tôi sự việc kia. Hai bên có nói qua nói lại, cô Hằng ngồi xuống khóc, nhưng tôi vẫn giữ thái độ bình tĩnh và không hề có chuyện đập bàn đập ghế, lăng mạ cũng như không có chuyện cô Lan tát cô Hằng trước hội đồng”, bà Nụ thanh minh. Về chi tiết, bà Lan một mình xếp ghế cho học sinh đầu năm học 2005 – 2006, bà Nụ cho rằng người nhà bà Lan đã phản ánh sai sự việc. “Thực chất của sự việc này là, nhà trường phân bốn cô giáo không đứng lớp chỉ đạo học sinh xếp ghế ra và thu ghế vào chứ không phải phân công một mình cô Lan làm. Sau giờ khai giảng, cô tổng phụ trách có gọi trên loa nhà trường nói cô Lan nhắc học sinh ra thu ghế chứ không phải nói cô Lan ra thu ghế”, bà Nụ nói. Còn về sự việc chuyển trường đầu năm học 2010 – 2011, bà Nụ khẳng định những quyết định bà đưa ra đều dựa trên đề nghị phụ huynh học sinh và đã thông qua ý kiến của giáo viên, hiệu phó nhà trường. Sự việc được bà Nụ kể lại: Trong buổi nhận lớp vào ngày 7/7/2010 cô Lan vắng mặt, một cô giáo tên Vân cùng khối đi nhận thay và phản ánh lại với ban giám hiệu nhà trường rằng phụ huynh học sinh lớp 1E không chấp nhận cô Lan tiếp tục đứng lớp và đề nghị thay giáo viên. Mấy ngày sau, hội trưởng hội phụ huynh huynh lớp 1E tên Chung mang lá đơn đến gặp hiệu trưởng và trình bày nguyện vọng của tập thể phụ huynh học sinh lớp này là muốn thay giáo viên nếu không sẽ không cho con đi học. Sau khi nhận đơn, nhà trường đã họp bốn giáo viên khối 1 để lấy ý kiến và đi đến quyết định đổi giáo viên đứng lớp 1E để cô Lan không gặp khỏi phải tình huống khó xử là đến lớp mà không có học sinh. Theo đó, nhà trường đã động viên cô giáo tên Ngọt dạy ở cơ sở Bồng Lai đổi chỗ cho cô Lan. Tuy nhiên, sau đó, bà Lan liên tiếp nghỉ dạy và nhà trường phải bố trí cô Bình dạy thay. Đây là một cô giáo có năng lực và chỉ kiêm nhiệm làm tổng phụ trách chứ không phải là người không có chuyên môn như cô Hằng phản ánh với một số báo. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nụ khẳng định Đơn đề nghị thay giáo viên là nhận từ phụ huynh lớp 1E tên Chung. Cũng theo bà Nụ, trước khi làm quyết định chuyển trường cho bà Lan, ngoài việc xin ý kiến giáo viên trong trường, bà còn xin ý kiến của hiệu trưởng cũ và cùng anh trai chồng bà Lan động viên bà tiếp tục tới trường làm việc bình thường. “Việc lá đơn của phụ huynh có chữ ký khống hay có người đứng sau xúi giục tôi không hề biết và không liên quan. Tôi làm việc đúng nguyên tắc, đúng cái tâm, không tư lợi. Do đó tôi không có trách nhiệm hay liên đới đến cái chết của bà Lan mà gia đình như nọi dung đơn thư con trai cô giáo Lan tố cáo gửi một số cơ quan” bà Nụ một mực khẳng định. <>Có đúng là nhật ký? Nhận xét về bà Lan với tư cách một lãnh đạo, bà Nụ cho rằng bà Lan là giáo viên có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm tuy nhiên không còn phù hợp với những đổi mới, phát triển của chương trình giáo dục mấy năm gần đây. Ngoài ra, sức khỏe bà Lan gần đây có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt cuối năm 2010 bà Lan phải điều trị một thời gian dài tại bệnh viện E, Hà Nội với hồ sơ bệnh án ghi rõ điều trị bệnh trầm cảm. Một trong những trang nhật ký bà Lan để lại trước khi mất Bà Nụ cũng tỏ vẻ nghi ngờ về những dòng nhật ký của bà Lan và cho rằng đó chỉ là những hồi tưởng chứ không phải những ghi chép sự việc xảy ra hàng ngày. “Tôi không được tận mắt nhìn thấy những di thư đó nhưng đọc trên một số báo trích dẫn tôi cảm tưởng đó là những dòng hồi tưởng chứ không phải nhật ký. Những chi tiết sự việc, thời gian ghi ở đó đều sai sự thật, một chiều và rất hoang tưởng. Ngoài ra nhật ký thì phải là sự ghi chép hàng ngày, đằng này ngày viết và ngày xảy ra sự việc trong nhật ký cách nhau rất xa. Việc ghi chép cũng rất linh tinh, khi thì ghi ở những mẩu giấy, tờ giấy rời …”, bà Nụ nói. Bà Nụ cũng cho biết, suốt thời gian bà làm hiệu trưởng, chưa bao giờ bà nhận được bất cứ phản ánh, nhận xét nào của giáo viên trong trường nói là bà có thái độ trù úm đối với giáo viên. Khánh Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More