Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Gánh lũ giữa trời Nam

Ngày 20-10 năm nay, khi những người phụ nữ được vinh danh, được đón nhận những bó hoa tươi thắm của chồng con thì ngay giữa lòng TP HCM, có những người vợ, người mẹ xứ Quảng vì kế sinh nhai vẫn phải đầu tắt mặt tối với gánh hàng rong lắm đỗi nhọc nhằn. Trong và sau những ngày xảy ra bão lũ, gánh hàng rong vốn đã trĩu nặng chừng như nặng hơn với bao mối lo chồng chất. Mưu sinh trong lo lắng Đó là tâm tình của chị Nguyễn Thị Bèo, 37 tuổi, người huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bên lề đường Công viên 23-9 (đường Trần Hưng Đạo, quận 1), với nhóm 5 chị em cùng nghề cùng quê đang ngồi bó gối âu lo không biết giờ này mẹ cha, các con, anh chị em nơi quê nhà ra sao, chị Bèo nói chuyện bão lũ trong nước mắt. Theo lời kể của chị, khi nhận được cuộc điện thoại gấp gáp từ người mẹ 78 tuổi rằng lũ đang lên rất nhanh, mọi người đang tìm chỗ cao tránh lũ và sau đó thì không liên lạc được, lòng dạ chị rối bời. “Lúc ấy mấy chị em tôi như người mất hồn, lòng dạ như có lửa thiêu đốt, mường tượng đủ điều chẳng lành. Đến khi nhận được tin nhắn của mẹ mọi người vẫn bình yên, tôi mới tạm nhẹ nhõm”. Bên hông Công viên Gia Định (địa phận giáp ranh giữa 2 quận Tân Bình và Phú Nhuận), nhiều chị em bán hàng rong người đất Quảng cũng có chung tâm tình “như ngồi trên lửa” những ngày quê hương chìm trong dòng nước dữ. Chị Ngô Thị Lý, ngụ xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), 41 tuổi, chồng chết cách đây 5 năm, có 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, có thâm niên gần 10 năm vào TP Hồ Chí Minh bán hàng rong nuôi con và mẹ già gần 90 tuổi, trò chuyện trong tiếng thở dài. Chị tâm tình khi nhận được tin của đứa con trai lớn tên Bình, 16 tuổi, rằng nước đang dâng cao ngập đến thắt lưng, bà ngoại và các em đang ngồi bó gối trên giường không biết phải làm sao, chị Lý sây sẩm mặt mày và bất tỉnh khi con trai đang nói dở bỗng bặt im. Chị Ngô Thị Hoa, 37 tuổi, ở sát nhà chị Lý, thổ lộ rằng những ngày nước lũ dâng cao, trong phòng trọ dưới chân cầu ông Lãnh, mấy chị em bán hàng rong cùng cảnh ngộ như chị Lý chỉ biết ôm nhau khóc. Hết khóc lại nhấn điện thoại gọi và lại khóc. Sáng ra mắt ai cũng sưng. “Giữa lúc chị em tôi định đón xe về nhà thì nhận được tin mẹ và các con đều mạnh khỏe” – chị Hoa sung sướng kể. Gánh nặng chất chồng Nhắc đến Quảng Bình là nhắc đến vùng đất chịu nhiều mất mát, đau thương do bom đạn chiến tranh, khó nghèo do mênh mông cát trắng. Đất đai cằn cỗi, bạc màu và muôn ngàn nỗi khổ đã buộc nhiều người mẹ, người vợ đất Quảng phải rời quê hương, xa chồng con, mẹ cha vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh với nghề gánh hàng rong. Mặc những thúc bách về cơm - áo - gạo - tiền đè nặng trên vai, những người phụ nữ như chị Bèo, chị Lý, chị Hoa… vẫn hun đúc cho mình nghị lực sống, lấy sự hiếu thuận, chăm học của các con làm niềm vui đặng vượt qua những nhọc nhằn. Để đám trẻ ở nhà được tung tăng cắp sách đến trường học lấy con chữ đặng mai này thoát khỏi cảnh đời cơ hàn như mẹ cha, ngày lại ngày, với quang gánh chất đầy cây trái và các món quà vặt nặng từ 30-40kg, đôi chân khẳng khiu của các chị phải rảo bước hàng chục kilômét, trên khắp các nẻo đường của thành phố. Chị Bèo hỏi thăm chuyện quê nhà từ một người quen vừa từ Quảng Bình vào thành phố “Chắt chiu, dành dụm được bao nhiêu thì mình gửi hết về quê lo cho các con và mẹ già, dư thì tích lũy. Bây giờ bão lũ đi qua, nhà cửa vừa mới làm lại nay xơ xác, mọi vật dụng trôi sạch. Tập vở của bọn trẻ bị ngấm nước hư cả rồi phải mua mới… Khó khăn chồng chất khó khăn” – chị Bèo tâm sự. Đôi quang gánh chất đầy trái cây, khoai củ, chị Lý nhẩm tính biết bao khoản phải lo: “Tiền lợp lại mái nhà, tiền mua sắm vật dụng cần thiết đã trôi theo dòng nước như mùng mền, xoong nồi. Cả tiền mua thuốc bổ cho bố mẹ già nay đau mai yếu hổm rày vì chống chọi với bão lũ mà kiệt sức, hao gầy…”. Bao khoản phải lo khiến đôi quang gánh của chị Lý và nhiều chị em gánh hàng rong đất Quảng đầy hơn, nặng hơn thường ngày. “Gần 10 ngày qua chị lấy thêm hàng, mọi bận chỉ bán đến 5 - 6h chiều là nghỉ nhưng hổm rày ráng bán đến 11 - 12h khuya. Bớt ngủ lại, gánh nặng hơn để có thêm chút đỉnh lo cho gia đình em ơi” – chị Lý bộc bạch. Lúc nào đó, nếu bắt gặp những người phụ nữ gánh hàng rong như các chị Lý, Bèo, Hoa… trên đường đời tấp nập, bạn hãy tiếp thêm nghị lực vượt khó cho họ bằng việc mua ủng hộ trái xoài, củ khoai. Nghĩa cử ấy của bạn sẽ giúp những người vợ, người mẹ miền Trung tảo tần kia thêm vững lòng, vững tin vào tình yêu thương giữa người với người trong cơn hoạn nạn mà tiếp tục vui sống!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More