Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Quyết không công bố dịch tay chân miệng

Lùng nhùng chuyện công bố dịch Tính đến thời điểm này, dịch tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, đã có tới 17.000 trường hợp mắc mới. Cụ thể: Báo cáo đến ngày 23-8 của Bộ Y tế cho thấy tích lũy từ đầu năm đến 23-8, toàn quốc có 35.623 trường hợp mắc tay chân miệng, 83 ca tử vong. Báo cáo ngày 15-9 (gửi Thủ tướng Chính phủ), Bộ Y tế cho biết số mắc tay chân chân miệng tích lũy từ đầu năm là 52.321 trường hợp và 109 ca tử vong (như vậy trong vòng chưa đầy 1 tháng, số mắc tăng gần 17.000 trường hợp, số tử vong tăng 26 trường hợp). Dịch tay chân miệng lan rộng ra 61/63 tỉnh thành, có những nơi số mắc và số tử vong cao, dịch không có dấu hiệu giảm nhưng địa phương vẫn không công bố dịch Điểm nóng của dịch đã có sự dịch chuyển ra khu vực Tây Nguyên, miền Trung và hiện đang lan tới miền Bắc. Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất tại khu vực miền Trung là: Quảng Ngãi, Khánh Hoà và Đà Nẵng. Cả 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.096 trường hợp mắc, 01 tử vong (số liệu đến ngày 15-9). Trong khi đó, đã có 26/28 tỉnh/thành phố; 202/300 quận huyện và 738/4300 xã khu vực miền Bắc ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá với 1.870 trường hợp mắc. Riêng tại Hà Nội đã có 2 bệnh nhi tử vong. Dịch còn dự báo sẽ nóng đến hết tháng 11. Kéo dài dai dẳng từ đầu năm đến nay và căng thẳng từ tháng 6 đến giờ, số ca mắc và số tử vong không giảm nhưng các địa phương vẫn không công bố dịch vì cho rằng chưa đủ điều kiện. Mới đây nhất, viện Paster Nha Trang đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi công bố dịch tay chân miệng vì chỉ tính riêng tại tỉnh này đã có tới 6.000 ca mắc và 5 ca tử vong. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh khẳng định “dịch vẫn trong tầm kiểm soát”. Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết các điều kiện để công bố dịch đều có thể cân đo đong đếm được và các địa phương đều đã nắm rõ các điều kiện trong quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện công bố dịch bệnh. Ông Bình cho hay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế việc phòng chống chủ yếu dựa vào nhận thức, hành vi vệ sinh của cha mẹ các cháu bé. Dân hoang mang, đổ xô mang con đi khám Nhiều người cho biết, tuy dịch chưa lan đến địa phương mình nhưng nếu không đọc báo chí thì họ chẳng thể biết dịch đang trong tình trạng như thế nào, bởi địa phương vẫn “im re”, không tuyên truyền, không hướng dẫn người dân thông tin về dịch bệnh và cách phòng chống. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ngay sau khi có thông tin cháu bé đầu tiên tại Hà Nội tử vong vì bệnh này, số bệnh nhân đến khám do nghi bệnh tay chân miệng đã gia tăng đột biến ở bệnh viện Nhi TW. Và đặc biệt là sau khi thông tin trẻ thứ 2 qua đời cũng vì bệnh này xuất hiện trên các báo thì số người đem con đến khám lại càng đông hơn. Bệnh viện Nhi TW thêm quá tải vì lượng bệnh nhi đến khám do nghi mắc tay chân miệng tăng đột biến Thông thường, ngày cuối tuần bệnh viện Nhi TW tiếp nhận khoảng 800-900 lượt bệnh nhân đến khám nhưng khoảng 2 tuần trở lại đây, con số này tăng lên gần gấp đôi (1.400-1.500 lượt khám). Ngày thường bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.800 lượt bệnh nhân đến khám thì nay ngày thường cũng lên tới gần 2.500 lượt, khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Điều đáng chú ý là trong số hàng ngàn trẻ đến khám này thì có những trẻ chỉ ốm bình thường nhưng cha mẹ quá lo lắng nên cứ mang đến xét nghiệm cho chắc ăn. Nhiều trường hợp được xác định là mắc tay chân miệng độ 1, theo quy định của Bộ Y tế là có thể theo dõi, điều trị tại nhà nhưng gia đình thì khăng khăng đòi nhập viện (đến mức bác sỹ phải đưa cả phác đồ của Bộ Y tế ra để chứng minh là độ 1 có thể theo dõi ở nhà, nhưng cuối cùng cũng đành “chịu thua” cha mẹ trẻ). TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết: “Tay chân miệng là bệnh lây nhiễm do virus, nhiều trẻ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trong virus gây bệnh có một loại virus EV71 là nguy hiểm và chỉ có một nhóm nhỏ nhiễm virus này, nhưng không phải ai nhiễm virus EV71 này cũng tử vong. Bình thường trẻ sốt cao (hoặc không sốt) kèm các nốt ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng có thể ổn định bệnh và khỏi sau 3-5 ngày. Nhưng có những trẻ do cơ địa, do miễn dịch không tốt khiến bệnh nặng dẫn đến biến chứng như viêm cơ tim, viêm não”. Ông Dương khẳng định dù ngành y tế có cố đến đâu đi chăng nữa thì sự chủ động phòng bệnh của người dân vẫn là quan trọng nhất. Giữ cho bàn tay, đồ dùng luôn sạch sẽ, môi trường thông thoáng là cách hữu hiệu để phòng bệnh. Hơn nữa, cần theo dõi chặt tình hình sức khỏe của trẻ và nắm rõ các dấu hiệu, đặc tính của bệnh để có cách xử trí hợp lý. Người lớn khỏe mạnh mang virus gây bệnh tay chân miệng Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của người nhà bệnh nhân ở các tỉnh khu vực miền Trung đã phát hiện 9 người lành mang virut gây bệnh tay - chân - miệng. Cả 9 người này đều không có triệu chứng bệnh. Điều đáng lưu ý là tất cả những trường hợp nêu trên đều là người lớn và trẻ lớn (trên 5 tuổi), trong đó có 3 người là mẹ của bệnh nhi. 3/9 trường hợp dương tính với EV71, số còn lại là EV. Đây là phát hiện rất quan trọng cho thấy việc phòng bệnh tay chân miệng cần được thực hiện đối với cả người lớn, nhất là người lớn trong gia đình có trẻ em bị bệnh. Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các địa phương, yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm xác định các trường hợp chuyển nặng, trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng, bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm giám sát căn nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More