Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Vì sao vụ tiệm vàng thực nghiệm tại trại giam?

Vì sao vụ thực nghiệm hiện trường không diễn ra tại chính nơi hung thủ gây án, tiệm vàng Ngọc Bích mà lại diễn ra ở trại tạm giam, khi không gian và khung cảnh không đồng nhất với tiệm vàng Ngọc Bích? Chiều 7/10, vụ thực nghiệm hiện trường vụ thảm sát tiệm vàng ở phố Sàn, Bắc Giang đã diễn ra ngay tại trại tạm giam của Công an tỉnh Bắc Giang. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức để Luyện thực nghiệm lại hành vi tàn ác của hắn. Việc thực nghiệm này nhằm kiểm tra lại lời khai của Lê Văn Luyện là một mình hắn đã tay sát hại dã man 2 vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích và người con gái nhỏ 18 tháng tuổi cũng như sát hại bất thành người con gái lớn 8 tuổi. Vấn đề khiến nhiều người thắc mắc là vì sao vụ thực nghiệm hiện trường không diễn ra tại chính nơi hung thủ gây án, tiệm vàng Ngọc Bích mà lại diễn ra ở trại tạm giam, khi không gian và khung cảnh không đồng nhất với tiệm vàng Ngọc Bích? Trả lời VnMedia, đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, việc tiến hành thực nghiệm hiện trường ở đâu là do CQĐT thấy cần thiết phải làm hay không. “CQĐT làm theo đúng các quy định của pháp luật, việc đó là luật pháp cho phép”. Theo Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Hùng, công tác thực nghiệm trong trại giam là một phần quan trọng trong công tác điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra. “Việc dựng lại hiện trường phải đảm bảo an toàn cho Luyện nữa. Nếu đang diễn lại tại tầng cao, Luyện nhảy xuống tự tử thì sao?” - ông Hùng đặt vấn đề. Vấn đề là theo quy định của pháp luật, quá trình thực nghiệm hiện trường thực chất là thực nghiệm điều tra buộc phải được thực hiện tại hiện trường vụ án hoặc nơi có địa hình tương tự. Ảnh minh họa Hiện trường vụ án. Điều 153 quy định về thực nghiệm điều tra (Bộ Luật tố tụng Hình sự) quy định: Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia. Khoản 2 điều 153 cũng nêu rõ, không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này. Theo luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư Hà Nội, theo quy định của pháp luật, thực nghiệm điều tra có thể tiến hành ngoài hiện trường vụ án với điều kiện phải đưa ra một mô phỏng hiện trường tương tự với hiện trường vụ án để diễn lại trình tự của vụ án. Ví dụ trong một vụ tai nạn giao thông người ta có thể diễn lại hiện trường ở 1 sân vận động với khoảng cách đường tương tự để diễn tả lại hiện trường. “Hiện trường để thực nghiệm phải tương tự nhau, có hoàn cảnh như nhau và điều kiện như nhau”, luật sư Triển nói. Đối với vụ thảm sát tiệm vàng, theo luật sư Trần Đình Triển, nếu tiến hành thực nghiệm điều tra tại trại tạm giam là không đúng vì hiện trường không đồng nhất về điều kiện và hoàn cảnh. Theo luật sư Triển, bản chất của thực hiện điều tra là diễn tả lại để tìm ra những mâu thuẫn, những vụ việc xảy ra có đúng với tính chất của hành vi phạm tội hay không, của quá trình thực hiện tội phạm hay không. Nên phải làm tại hiện trường hoặc những hoàn cảnh hiện trường tương tự, phải có điều kiện tương đương chứ không thể diễn tả ở hiện trường khác. Như thế sẽ không đúng với bản chất của vụ án. Luật sư Triển cũng cho biết, đối với vụ án thảm sát tiệm vàng, khi tiến hành thực nghiệm điều tra phải đưa ngay đối tượng ra để thực nghiệm điều tra, chứ không thể sử dụng người đóng thế cho hung thủ để diễn lại vụ việc được. “Theo quy định của luật pháp, khi thực nghiệm điều tra bắt buộc hung thủ phải tham gia, không bao giờ dùng người đóng thế, kể cả trong trường hợp đối tượng lẩn trốn hoặc đã chết. Nếu đối tượng chết rồi thì không coi là thực nghiệm hiện trường nữa mà chỉ coi là mô phỏng lại hiện trường để phục vụ cho quá trình điều tra vụ án mà thôi”, luật sư Triển nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More